Nhiều bạn trẻ gặp vấn đề về cân nặng vượt chuẩn nhưng chiều cao lại khiêm tốn, khiến cơ thể mất cân đối và tự ti. Vậy, có cách nào để giảm cân mà vẫn phát triển chiều cao đúng không? Bài viết này sẽ chia sẻ nhiều bí quyết hay để giảm cân và tăng chiều cao hiệu quả.
Trẻ đang phát triển có nên giảm cân không?
Cân nặng và chiều cao là những chỉ số quan trọng đánh giá mức độ phát triển và tình trạng thể chất của trẻ. Tuy nhiên, trong giai đoạn trẻ đang tăng trưởng thể chất, liệu có nên giúp trẻ giảm cân hay không? Quá trình giảm cân có ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao không?
Thực tế, cân nặng vượt chuẩn, trẻ ở ngưỡng thừa cân – béo phì là một yếu tố cản trở chiều cao phát triển. Nếu khối lượng cơ thể vượt quá sức chịu đựng của xương, có thể khiến xương biến dạng và mật độ xương kém. Thêm vào đó, béo phì là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ dậy thì sớm, khiến trẻ có tầm vóc hạn chế và ảnh hưởng đến tâm lý. Vì vậy, giảm cân là điều cần thiết để giúp trẻ đạt chuẩn chiều cao.
Tuy nhiên, quá trình giảm cân phải được thực hiện một cách bài bản, khoa học để không ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng chiều cao. Tuyệt đối không bắt trẻ nhịn ăn hoặc vận động quá mức, vì điều này có thể gây hại đến sức khỏe và cản trở phát triển thể chất.
Giảm cân có tăng chiều cao không?
Với những trẻ có cân nặng vượt chuẩn, quá trình tăng trưởng chiều cao sẽ bị ảnh hưởng. Thực hiện giảm cân một cách khoa học, đưa cân nặng về ngưỡng chuẩn và cân đối với độ tuổi và chiều cao hiện tại, chính là một cách hữu hiệu để cải thiện chiều cao.
Việc giảm cân không có tác dụng tăng chiều cao nếu trẻ đã có cân nặng đạt chuẩn hoặc thiếu cân. Thậm chí, quá trình giảm cân còn gây ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng chiều cao tự nhiên. Do đó, theo dõi chiều cao và cân nặng của con, đối chiếu với bảng chiều cao cân nặng chuẩn theo tuổi là việc cần thiết. Điều này giúp cha mẹ đánh giá chiều cao và cân nặng của con đã đạt chuẩn hay chưa, kịp thời giúp con giảm cân nếu bị thừa cân và hỗ trợ chiều cao phát triển tốt.
Vừa giảm cân vừa tăng chiều cao thì nên ăn gì?
Chế độ ăn uống hàng ngày có tác động lớn đến sự tăng trưởng chiều cao của trẻ, quyết định hơn 30%. Để giảm cân và tăng chiều cao cho con hiệu quả, cha mẹ nên bổ sung các thực phẩm sau vào thực đơn hàng ngày:
Các loại hải sản
Các loại hải sản như tôm, cua, cá, mực… giàu Canxi, vitamin D, magie, kẽm… đều là những dưỡng chất rất có lợi cho sự phát triển xương và hỗ trợ tăng trưởng chiều cao. Chúng cũng không chứa nhiều chất béo, nên khó làm tăng cân và sẽ giúp trẻ dần dần điều chỉnh cân nặng về ngưỡng chuẩn.
Sữa không đường
Sữa là thức uống không thể thiếu trong chế độ ăn uống tăng chiều cao. Tuy nhiên, nếu trẻ đang có cân nặng quá cao so với tuổi, cha mẹ nên lựa chọn sữa không đường hoặc sữa ít béo để giảm lượng đường và chất béo nhập vào cơ thể. Đây là hai yếu tố tăng nguy cơ béo phì, không phù hợp nếu trẻ đang bị thừa cân.
Trái cây giàu vitamin C
Các loại trái cây có hàm lượng vitamin C cao như ổi, bưởi, cam, quýt… sẽ giúp bổ sung hàm lượng cao vitamin C trong cơ thể. Loại vitamin này sẽ kích thích cơ thể sản sinh nhiều collagen, thúc đẩy sự phát triển của sụn khớp và cải thiện chiều cao.
Các loại rau củ màu xanh đậm
Bông cải xanh, cải xoăn, rau bina… là những thực phẩm giàu Canxi, vitamin C, kẽm… giúp hệ xương chắc khỏe và chiều cao phát triển tốt. Đây cũng là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cảm giác no lâu và giúp giảm cân thuận tiện.
Ưu tiên các món luộc, hấp
Cách chế biến món ăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cân nặng và chiều cao. Trẻ thường xuyên tiêu thụ các món ăn nhiều dầu mỡ, gia vị có thể làm cân nặng tăng lên nhanh chóng. Ngược lại, duy trì thói quen ăn uống nhiều món luộc, hấp sẽ giúp trẻ cảm nhận mùi vị thực phẩm chân thực, đồng thời không gây tăng cân.
Vừa giảm cân vừa tăng chiều cao không nên ăn gì?
Nếu đang trong quá trình tăng chiều cao và giảm cân, cha mẹ nên khuyên trẻ hạn chế bổ sung các thực phẩm sau:
Các món chiên, rán
Những thức ăn chế biến bằng cách chiên, rán chứa nhiều dầu mỡ và chất béo, sẽ làm cơ thể tích lũy nhiều mỡ thừa. Đồng thời, chúng cũng chứa nhiều cholesterol không tốt cho sức khỏe.
Nước ngọt
Các loại nước ngọt đóng chai hoặc nước có ga thường chứa nhiều đường, chất bảo quản và các thành phần không tốt cho xương. Tiêu thụ nhiều nước ngọt sẽ khiến trẻ béo phì, yếu xương và kém phát triển chiều cao.
Kiểm soát lượng tinh bột
Cơm, bún, phở… là những thực phẩm giàu tinh bột và ít protein. Ăn quá nhiều tinh bột sẽ khiến trẻ nhanh no, ăn ít những thực phẩm khác, gây thiếu chất và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như tăng trưởng chiều cao.
Bánh kẹo ngọt
Hầu hết trẻ em đều thích ăn bánh ngọt, bánh quy và kẹo. Hàm lượng đường trong nhóm này rất cao, sẽ khiến cân nặng của trẻ tăng nhanh hơn. Quá trình giảm cân và tăng chiều cao sẽ thất bại hoàn toàn nếu cha mẹ để con ăn bánh kẹo tùy ý.
Các loại đồ ăn vặt không lành mạnh
Những món ăn vặt như xúc xích, khoai tây chiên, bánh ngọt các loại… thường được sử dụng làm đồ ăn vặt cho trẻ. Tuy nhiên, việc ăn nhiều những đồ ăn vặt này rất khó có thể giảm cân và tăng chiều cao được. Chúng chứa nhiều muối, đường và dầu mỡ, đều là những yếu tố gây béo phì và chậm tăng trưởng thể chất.
Vừa giảm cân vừa tăng chiều cao cần chế độ tập luyện thế nào?
Bên cạnh việc thiết lập thói quen ăn uống cân bằng và khoa học, cha mẹ nên khuyến khích con tham gia các môn thể thao để vừa đốt cháy năng lượng và mỡ thừa, vừa thúc đẩy tăng trưởng thể chất. Chế độ tập luyện có thể tuân theo những nguyên tắc quan trọng sau:
Dành 1 giờ/ngày để vận động
Thời gian vận động mỗi ngày nên đạt từ 45-60 phút. Như vậy, cơ thể mới nhận được sự kích thích đủ để đốt cháy mỡ thừa và hỗ trợ tăng trưởng chiều cao. Các bạn nên duy trì thói quen vận động hằng ngày hoặc tối thiểu 4 buổi mỗi tuần để thúc đẩy tăng trưởng chiều cao và kiểm soát cân nặng.
Lựa chọn các hình thức vận động phù hợp
Tùy vào độ tuổi, giới tính và sở thích của con mà cha mẹ có thể lựa chọn cho con một hoặc một số hình thức vận động phù hợp. Các môn thể thao có lợi cho việc giảm cân và tăng chiều cao như bơi lội, chạy bộ, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, yoga…
Luôn khởi động kỹ lưỡng
Trước khi tham gia bất kỳ môn thể thao nào, trẻ cần thực hiện các bài tập khởi động. Điều này nhằm làm nóng cơ thể, để xương và các cơ làm quen dần với việc vận động và hạn chế chấn thương trong quá trình tập luyện.
Giãn cơ sau khi luyện tập
Sau khi vận động thể thao, trẻ cần thực hiện một số động tác giãn cơ đùi, cơ háng, cơ tay… để thúc đẩy oxy và máu đến các cơ nhanh hơn, giúp cơ và khớp phục hồi nhanh chóng.
Để chiều cao phát triển tốt, cha mẹ nên theo dõi cân nặng và có biện pháp kiểm soát cân nặng cho trẻ luôn ở trong ngưỡng cân đối với chiều cao. Giảm cân có tăng chiều cao không và những bí quyết vừa giảm cân vừa tăng chiều cao đã được giới thiệu chi tiết trong bài viết. Hy vọng sẽ giúp các bạn xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp để sở hữu chiều cao và cân nặng đạt chuẩn.